ĐH Quốc gia TP.HCM: Công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng lực 2020
Tệp đính kèm bài thi mẫu
BAI THI MAU NAM 2020-191212050244.doc
Cụ thể, đợt 1 kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 29-3-2020 tại các địa phương: TP.HCM, Bến Tre, An Giang và Khánh Hòa. Đợt 2 diễn ra vào ngày 5-7-2020 tại TP.HCM, Cần Thơ và Khánh Hòa. Năm nay bài thi chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực năm nay gồm có 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề.
Phần sử dụng ngôn ngữ có 40 câu gồm 20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh. Theo đó, 20 câu tiếng Việt sẽ tập trung đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản và sử dụng tiếng Việt và khả năng cảm thụ, phân tích các tác phẩm văn học. Đề thi tích hợp nhiều kiến thức về ngữ văn, đòi hỏi thí sinh nắm vững những kỹ năng thực hành tiếng Việt để áp dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan. Chi tiết hơn, nội dung “Hiểu biết văn học” sẽ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức văn học cơ bản như: Phong cách sáng tác của các tác giả tiêu biểu, nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm; vai trò của tác giả, tác phẩm đối với lịch sử văn học. Nội dung “Sử dụng tiếng Việt” sẽ đánh giá khả năng nhận biết vấn đề về sử dụng tiếng Việt như: Xác định những từ viết không đúng quy tắc chính tả, những từ sử dụng sai, những câu mắc lỗi ngữ pháp diễn đạt; nhận biết cấu tạo từ, các biện pháp tu từ, các vấn đề thuộc về ngữ pháp câu, các thành phần trong câu, phép liên kết câu… Trong khi đó, nội dung “Đọc hiểu văn bản” sẽ đánh giá khả năng phân loại đặc trưng phong cách (phong cách thể loại, phong cách tác giả, phong cách chức năng ngôn ngữ…), xác định ý nghĩa của từ/câu trong văn bản, cách tổ chức văn bản, các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng, nội dung và tư tưởng của văn bản. Riêng 20 câu tiếng Anh sẽ tập trung đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh tổng quát ở cấp độ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, thông qua các nội dung: Lựa chọn cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn. Nội dung “Lựa chọn cấu trúc câu” sẽ đánh giá khả năng hiểu và áp dụng các cấu trúc câu thông qua yêu cầu thí sinh chọn từ/cụm từ có cấu trúc phù hợp để điền vào khoảng trống. Còn nội dung “Nhận diện lỗi sai” sẽ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức ngữ pháp và áp dụng để giải quyết vấn đề thông qua nhận diện lỗi sai trong những phần được gạch chân. Trong khi đó, nội dung “Đọc hiểu câu” đánh giá khả năng đọc hiểu câu và khả năng áp dụng kiến thức ngữ pháp đã học thông qua việc chọn câu có nghĩa gần nhất với câu đã cho. Nội dung “Đọc hiểu đoạn văn” đánh giá khả năng hiểu, áp dụng kiến thức ngữ pháp cũng như kỹ năng đọc lướt để lấy thông tin và đọc kỹ để tìm chi tiết (cụ thể, đọc lướt để trả lời câu hỏi lấy ý chính, đọc kỹ để trả lời các câu hỏi tham chiếu, câu hỏi chi tiết, câu hỏi từ vựng, câu hỏi suy luận).
Phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu có 30 câu sẽ tập trung đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh phân tích số liệu. Trong đó, các câu hỏi về toán học sẽ đánh giá khả năng hiểu và áp dụng những kiến thức toán học trong chương trình giáo khoa THPT thuộc các nội dung: Ứng dụng của đạo hàm để khảo sát hàm số, số phức, hình học thuần túy, hình học tọa độ, tích phân và ứng dụng của tích phân, tổ hợp và xác suất, hàm số mũ và hàm số logarit, giải toán bằng cách lập hệ phương trình, giải hệ phương trình nghiệm nguyên. Các câu hỏi về tư duy logic, đánh giá khả năng suy luận logic thông qua các hình thức logic đơn lẻ và nhóm logic tình huống. Dựa vào các thông tin được cung cấp trong mỗi tình huống logic cùng với kỹ năng suy luận và phân tích, thí sinh tìm phương án khả thi cho các giả định được đưa ra. Các câu hỏi về phân tích số liệu đánh giá khả năng đọc, phân tích số liệu thực tế thông qua các sơ đồ và các bảng số liệu. Các sơ đồ và bảng biểu xuất hiện trong đề thi gồm: Biểu đồ tròn, biểu đồ Venn, biểu đồ cột, biểu đồ đường, biểu đồ dạng bảng số liệu.
Phần giải quyết vấn đề có 50 câu sẽ tập trung đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc 5 lĩnh vực (gồm 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên là hóa học, vật lý, sinh học và 2 lĩnh vực khoa học xã hội là địa lý, lịch sử). Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các câu hỏi đơn lẻ đánh giá khả năng hiểu kiến thức giáo khoa cơ bản liên quan đến hóa học, vật lý, sinh học; các nhóm câu hỏi tình huống đánh giá khả năng đọc, tư duy, suy luận logic về hóa học, vật lý, sinh học thông qua dữ kiện được cung cấp trong các bài đọc và kiến thức đã học; đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức phổ thông để giải quyết những vấn đề liên quan.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, các câu hỏi đơn lẻ đánh giá khả năng hiểu kiến thức giáo khoa cơ bản liên quan đến địa lý, lịch sử; các nhóm câu hỏi tình huống đánh giá khả năng đọc, tư duy, suy luận logic về địa lý, lịch sử thông qua dữ kiện được cung cấp trong các bài đọc, kiến thức đã học hoặc kiến thức thực tế; năng lực áp dụng các kiến thức phổ thông để giải quyết các vấn đề liên quan.
Cấu trúc của bài thi ĐGNL gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; và Giải quyết vấn đề.
Bài, ảnh: Mê Tâm