Chàng trai mất đôi tay năm 18 tuổi, cầm bút vẽ bản thiết kế sau 8 năm

(Dân trí) - 12 ngày trước khi thi đại học vào năm 2014, biến cố bất ngờ ập đến đã cướp đi đôi tay của Phúc. Vực dậy tinh thần sau chuỗi ngày mất mát và bi quan, Phúc nuôi ước mơ trở thành kiến trúc sư.

Mất trắng đôi tay năm 18 tuổi

Hình ảnh nam thanh niên với cánh tay cụt cất tiếng rao bán "Vòng hoa đội đầu đây chị ơi. Mua vòng hoa đi cháu…" trên phố đi bộ Hồ Gươm thu hút sự chú ý của nhiều người qua đường. Chàng trai đó là Dương Hữu Phúc, sinh năm 1995, quê ở Lạng Sơn.

Chàng trai mất đôi tay năm 18 tuổi, cầm bút vẽ bản thiết kế sau 8 năm - 1

Dương Hữu Phúc làm rất nhiều vòng hoa, rồi rao bán trên phố đi bộ.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về biến cố trong cuộc đời mình, Phúc nói: "Mình bị tai nạn lao động năm 18 tuổi, do bất cẩn trong lúc làm việc nên bị nổ bình oxy. Năm đó, chỉ còn 12 ngày nữa là mình bước vào kỳ thi đại học. Biến cố ập đến khiến mình đau đớn và ngỡ ngàng. Mình phải cắt đi 1/3 của hai cánh tay".

Đôi tay mất đi cũng là lúc Phúc biết rằng cả cuộc đời sau này mình sẽ phải sống với sự mất mát này. Đã có lần, anh rơi vào trạng thái chán nản và thất vọng khi bạn bè đồng trang lứa đã thực hiện được ước nguyện, còn bản thân Phúc lại đang phải chống chọi với từng cơn đau, dang dở mơ ước phía trước.

Sau tai nạn, Phúc phải cắt bỏ tay ở Bệnh viện Việt Đức và nằm điều trị nhiễm trùng 28 ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Do vết thương nặng, các bác sĩ phải tiến hành mổ xương lần ba.

Trong thời gian khoảng một năm nằm dưỡng bệnh ở nhà, Phúc tập làm quen với việc không còn tay để sinh hoạt như trước. "Ban đầu, mình còn bỡ ngỡ, mọi công việc vệ sinh cá nhân đều phải nhờ tới sự giúp đỡ của mẹ. Nhiều tháng liền, mẹ không thể đi làm, chỉ ở nhà để chăm sóc cho mình", Phúc kể lại.

Phúc bắt đầu làm quen với đôi tay giả để tự xúc cơm, nhưng không thể tự điều khiển khiến cơm vung vãi khắp nơi. Nhận thấy không thể tiếp tục dùng đôi tay giả đó, Phúc quyết tâm làm lại từ đầu bằng đôi tay đã cắt của mình.

Đã 8 năm trôi qua, mọi thứ từ công việc, tương lai đến những ước mơ của bản thân Phúc đều phải tạm dừng lại do khiếm khuyết cơ thể. Phúc cho biết, mẹ là động lực duy nhất giúp anh vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó.

Chàng trai mất đôi tay năm 18 tuổi, cầm bút vẽ bản thiết kế sau 8 năm - 2
Phúc chụp ảnh cùng mẹ.

"Có một khoảng thời gian mình tự nhốt bản thân trong phòng và không muốn ra ngoài. Cho đến khi mình quyết định đi học lại, mình phải làm quen dần với việc mọi người nhìn thấy mình là một người khiếm khuyết. Hai năm đầu, lúc nào đi học mình cũng mặc một chiếc áo dài tay, ai để ý lắm thì mới thấy. Nhưng rồi bắt đầu đến năm thứ ba thì nỗi tự ti đó dần mất đi", Phúc nhớ lại.

Ước mơ trở thành kiến trúc sư

Năm 2015, Phúc trở lại trường THPT để tiếp tục ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Anh được nhà trường và giáo viên hỗ trợ tư vấn trong việc chọn ngành nghề phù hợp với tình trạng của bản thân. Dù vậy, Phúc vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành kiến trúc sư.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", những cố gắng của Phúc được đền đáp xứng đáng khi anh đậu đại học, đúng ngành nghề mong muốn.

Sau khi Phúc đậu Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, hai mẹ con chuyển về Thủ đô sống.

Gia đình neo người, chỉ còn mẹ, chị gái và Phúc. Chị gái hiện tại đã lấy chồng nên hai mẹ con nương tựa lẫn nhau. Khoảng thời gian Phúc nằm viện, mẹ đã chật vật vay mượn khắp nơi tiền viện phí với hy vọng con sớm bình phục. Do vậy, Phúc vừa đi học, vừa tự làm vòng hoa và rao bán ở phố đi bộ Hồ Gươm mỗi tối cuối tuần để phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống.

Chàng trai mất đôi tay năm 18 tuổi, cầm bút vẽ bản thiết kế sau 8 năm - 3

Sự khéo léo và thuần thục của Phúc vượt lên trên khiếm khuyết.

Chàng trai mất đôi tay năm 18 tuổi, cầm bút vẽ bản thiết kế sau 8 năm - 4

Một trong các thiết kế nội thất của Hữu Phúc.

Tới nay, Phúc đã tốt nghiệp đại học, đi làm cho một công ty thiết kế nội thất. Anh bày tỏ: "Bố mình từng là thợ xây nên hồi bé mình được bố dẫn đi làm cùng để hỗ trợ. Qua tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội, mình tò mò về thiết kế nên đã quyết tâm ôn thi vào ngành học này. Hiện tại, mình đã tốt nghiệp và đi làm tại một công ty thiết kế".

Hơn ai hết, Phúc biết rõ nghề kiến trúc vốn phải sử dụng đôi tay là chủ yếu để vẽ phác thảo trên giấy, vẽ 3D trên máy tính. Điều này không dễ với khiếm khuyết đôi tay của Phúc.

Nhưng không nản chí, Phúc đã tự học các phần mềm vẽ và chỉnh sửa đồ họa qua mạng để theo kịp với các bạn cùng ngành nghề. Thời gian đầu, Phúc gặp khó khăn trong việc cầm bút để diễn họa trên lớp nhưng nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè và thầy cô, Phúc đã có thể tự làm mọi thứ thuần thục.

Chàng trai mất đôi tay năm 18 tuổi, cầm bút vẽ bản thiết kế sau 8 năm - 5
Nhiếp ảnh gia đặc biệt.

Không chỉ có niềm đam mê với kiến trúc, Phúc cũng dành sự quan tâm đặc biệt với nhiếp ảnh. Ngày trước, Phúc cứ nghĩ rằng cụt tay thì không thể chụp ảnh do không điều khiển được các nút bấm trên máy. Sau thời gian đi làm tích góp được tiền, Phúc mua tặng bản thân một chiếc máy ảnh vừa phục vụ công việc vừa khám phá thêm cái đẹp ngoài cuộc sống.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Phúc nói: "Mơ ước của mình bây giờ là có công việc ổn định hơn, phát triển nhiều hơn trong tương lai và mong rằng công việc kinh doanh hiện tại thuận lợi để mình trang trải trong cuộc sống. Xa hơn, mình cũng mong muốn xây được một ngôi nhà hai tầng và phụng dưỡng mẹ khi về già".

Ảnh: NVCC - https://dantri.com.vn/

Thống kê
  • Đang online: 37.302
  • Hôm nay: 175
  • Hôm qua: 173
  • Tất cả: 239.762